Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh mãn tính và không có phương pháp nào điều trị dứt điểm hoàn toàn. Do đó, để có thể “chung sống” với căn bệnh và giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc nhiều người tìm đã đến các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Trong đó, luyện tập thể dục luôn là biện pháp đầu tiên mà các chuyên gia cơ xương khớp khuyên bệnh nhân thực hiện. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tổng hợp những bài tập thoái hoá khớp gối nhằm cải thiện tình trạng thoái hóa của mình.
Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào?
Thoái hóa khớp gối về cơ bản là tình trạng tổn thương của bề mặt sụn khớp. Do nhiều nguyên nhân tác động khiến bề mặt sụn khớp bị bào mòn, xù xì, vỡ mảnh, làm hai đầu xương cọ xát trực tiếp với nhau làm bạn đau nhức mỗi khi vận động. Lâu ngày còn hình thành nên cả gai xương ở rìa khớp.
Nếu bệnh không được kiểm soát kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Đau nhức dai dẳng
Đau là triệu chứng đầu tiên của hầu hết các bệnh xương khớp, bao gồm cả thoái hóa khớp gối. Ở giai đoạn đầu, những cơn đau nhức thường ở thể nhẹ và chỉ thoáng qua. Sau này, khi bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn thì thì các cơn đau nhức này ngày càng một nhiều hơn, dai dẳng hơn, có thể xuất hiện cả ngày lẫn đêm, cả khi nghỉ ngơi.
Gối bị biến dạng
Biểu hiện của đầu gối bị biến dạng là chi dưới khớp gối bị thoái hóa cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài. Đây là hậu quả của quá trình thoái hóa kéo dài làm cho khớp và sụn bị xơ vữa.
Mất khả năng vận động bình thường
Khi các cơn đau nhức thường xuyên tấn công thì việc bạn đi lại bình thường là điều không thể. Thậm chí, lúc đi lại bạn chỉ có thể đi tập tễnh
Teo cơ, bại liệt
Khi bị hạn chế vận động, các cơ từ gối trở xuống sẽ dần có cảm giác yếu hơn, bạn sẽ thấy chân run run mỗi khi đi lại. Dần dần chân của bạn đứng không vững, cơ bị teo lại và tăng nguy cơ bị bại liệt.
Thoái hóa khớp gối nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế nếu thấy triệu chứng bệnh, hãy sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị (Ảnh minh họa)
Tập luyện giúp bạn kiểm soát tình trạng thoái hóa?
Tập luyện không giúp bạn chữa khỏi thoái hóa khớp gối, nhưng nó mang lại những lợi ích tích cực trong quá trình điều trị bệnh. Cụ thể như sau:
– Giúp giảm các triệu chứng đau nhức. Thoái hóa khớp gối làm lớp sụn khớp bị hao mòn và phá hủy, gây nhiều triệu chứng đau nhức khó chịu cho người mắc. Việc tập thể dục làm tăng tiết dịch khớp, tăng bôi trơn cho sụn khớp, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng đau và cứng khớp. Không chỉ vậy, nó còn làm tăng tính linh hoạt cho khớp gối,
– Tăng cường cơ bắp cho đầu gối. Khi bị thoái hóa khớp gối, chúng ta thường có xu hướng ít vận động, khiến gân và cơ hỗ trợ khớp có xu hướng yếu đi. Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp tăng cường các cơ quan này, từ đó bảo vệ và hỗ trợ khớp gối tốt hơn.
– Giảm áp lực lên khớp gối. Tập thể dục giúp giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho khớp đầu khớp gối. Bởi, mỗi kg nặng bạn giảm được sẽ giúp giảm tới 3 kg áp lực lên đầu gối trên mỗi bước đi. Không chỉ vậy, giảm cân còn giúp giảm tình trạng viêm nhiễm toàn cơ thể – một trong những nguyên nhân gây đau nhức khớp gối.
– Cải thiện sức khỏe tổng thể. Tập luyện thể thao không chỉ giúp duy trì sức khỏe cho xương khớp mà còn cải thiện được sức khỏe tổng thể, nâng cao khả năng miễn dịch. Nó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như: huyết áp cao, tiểu đường, một số bệnh ung thư, bệnh tim và đột quỵ,…
Tập luyện thể thao đều đặn mang lại nhiều lợi ích cho người bị thoái hóa khớp gối (Ảnh minh họa)
Lưu ý trước khi tập luyện
Các chuyên gia sức khỏe luôn khuyên chúng ta cần khởi động trước khi tập luyện và hạ nhiệt cơ thể sau khi tập xong.
☛ Khởi động: Bạn nên khởi động khoảng 10 phút trước khi luyện tập. Điều này giúp làm tăng lưu lượng máu và làm ấm cơ thể, giúp cơ bắp và các khớp trở nên linh hoạt hơn. Bạn có thể khởi động bằng việc đi bộ hoặc các động tác aerobic nhịp độ chậm khác. Đối với những người bị thoái hóa khớp nặng, có thể chỉ cần chườm ấm khớp và thực hiện các hoạt động vận động nhẹ nhàng là đủ.
☛ Hạ nhiệt cơ thể: Để hạ nhiệt cơ thể, bạn có thể lặp lại một số động tác đã làm khi khởi động để giúp hạ nhiệt cơ thể. Điều này sẽ giúp giảm cứng khớp hoặc cơ bắp sau khi tập luyện.
Ngoài ra, ngay sau khi tập luyện, đầu gối có thể bị sưng và khó chịu. Để giảm điều này, bạn có thể áp dụng liệu pháp “RICE”: Rest – nghỉ ngơi, Ice – chườm lạnh, Compression – băng nén, Elevation – nâng cao đầu gối. Lưu ý: Có thể chườm lạnh bằng túi chườm lạnh hoặc bọc đá vào khăn mặt rồi chườm lên đầu gối. Không chườm lạnh quá 20 phút mỗi lần.
Hãy khởi động trước khi luyện tập và hạ nhiệt sau khi luyện tập xong (Ảnh minh họa)
Có cần gặp bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi tập không?
Không phải lúc nào bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để bắt đầu tập thể dục, miễn là bạn thực hiện mọi thứ một cách chậm rãi và lắng nghe cơ thể mình. Nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm hoặc lo lắng nào, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe, huấn luyện viên cá nhân hoặc chuyên gia vật lý trị liệu đều có thể giúp bạn. Họ có thể cho bạn một số lời khuyên hoặc các bài tập cụ thể để bạn tập thử.
Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì?
Các động tác giảm đau cho đầu gối
Có nhiều động tác khác nhau giúp giảm đau khớp gối. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều bài tập khác trên youtube hoặc các website uy tín. Dưới đây, chúng tôi dưới thiệu một vài động tác đơn giản, dễ thực hiện.
Đi bộ
Trong một công trình nghiên cứu vào năm 2012 được đăng ở tạp chí Hồi phục Lâm sàng cho thấy, người bị đau khớp gối do thoái hóa có cải thiện đáng kể chức năng khớp sau chương trình tập đi bộ 4 tuần lễ.
Đi bộ (đi nhanh chứ không phải tản bộ) được coi là một hoạt động thể chất dễ thực hiện, an toà, ít gây ảnh hưởng đến khớp. Trong quá trình đi bộ, sự co duỗi ở khớp gối cơ bản trên một trục thẳng, biên độ vận động không lớn, sự ma sát ở các khớp không mạnh, giúp bạn kiểm soát được tình trạng suy thoái khớp.
Đạp xe
Đạp xe là hình thức tập luyện hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ lớn ở chân, khi đó các cơ được vận động tối đa mà ít gây trọng tải lên các khớp.
Người bị thoái hóa khớp gối có thể luyện tập đạp xe bằng 2 hình thức sau:
Xe đạp đứng yên. Chúng có tay cầm, bàn đạp và một yên xe đạp nhỏ, tuy nhiên tất cả đều được đặt trên một bệ cố định. Trên một chiếc xe đạp đứng yên, bạn hoạt động các cơ giống như khi bạn đi xe đạp ngoài trời, đây là một bài tập toàn thân.
Xe đạp nằm nghiêng. Những chiếc xe đạp này thường dễ dàng hơn với lưng dưới và hông, vì bạn ngồi vào khung, ở tư thế ngả lưng và thoải mái. Xe đạp nằm nghiêng cũng dễ lên và xuống hơn vì chúng thấp hơn mặt đất.
Bên trái: Xe đạp nằm nghiêng, bên phải: Xe đạp đứng yên
Bơi lội
Bơi lội là bộ môn thể thao được nhiều chuyên gia đánh là tốt nhất đối với các bệnh liên quan đến xương khớp nói chung và bệnh thoái khớp gối nói riêng.
Trong quá trình bơi lội, cùng lúc các bộ phận chân tay, hô hấp đều được hoạt động. Một mặt giúp bạn tăng sự linh hoạt, nhịp nhàng của các khớp, mặt khác tạo sự thuận lợi cho quá trình trao đổi chất và lưu thông máu diễn ra, từ đó thúc đẩy các dưỡng chất cần thiết đi tới các sụn khớp.
So với hoạt động trên cạn khi bạn vận động trong môi trường nước, cơ thể cũng được nâng đỡ tốt hơn nhờ áp lực nước, do đó giảm được sức nặng của cơ thể lên các khớp. Đặc biệt, sức ép của nước còn là một phương pháp mát xa tuyệt vời dành cho bạn
Tập yoga
Nhiều nghiên cứu cho thấy, yoga phát huy được hiệu quả trong việc điều trị thoái hóa khớp gối, có tác dụng tích cực đối với các cơn đau mãn tính. Đặc trưng của bộ môn yoga là tập trung vào các kỹ thuật thở, chuyển động và kĩ năng thư giãn. Chính vì thế mà yoga được xem là bộ môn tác động toàn bộ đến các cơ quan trong cơ thể.
Đối với thoái hóa khớp gối, luyện tập yoga giúp bạn cải thiện các triệu chứng đau nhức khớp, cải thiện sức mạnh, tăng tính linh hoạt ở khớp gối và gia tăng sức khỏe tổng thể người bệnh. Bên cạnh đó, yoga còn giúp bạn giải tỏa tâm lý bực bội khi bị bệnh, hướng tới một tinh thần tích cực hơn để kiểm soát căn bệnh này.
Đối với người bị thoái hóa khớp gối, những bài tập có tính chất nhẹ nhàng, chậm rãi và hạn chế tối đa lực tác động lên chân là lựa chọn thích hợp nhất. Bạn nên luyện tập dưới sự chỉ dẫn của huấn luyện viên yoga hoặc bác sĩ trị liệu để chọn được bài tập phù hợp, tránh việc tập luyện không đúng cách gây thêm tổn thương cho khớp.
Yoga có tác động tích cực đối với các cơn đau mãn tính, bao gồm cả những cơn đau do thoái hóa khớp gối (Ảnh minh họa)
Thái cực quyền
Giống như Yoga, đặc trưng của Thái cực quyền là các động tác chậm rãi và kỹ năng hít thở.
Thái cực quyền là hình thức vận động tại chỗ, các động tác áp đùi, giãn hông, gập eo duy trì tính linh hoạt của khớp. Mỗi động tác chậm, nhẹ, nhịp nhàng, thở sâu làm cho khí huyết lưu thông, hệ thần kinh thư thái kích thích sản sinh các hormone giúp bạn giảm đau nhức khớp hiệu quả.
Các động tác trong thái cực quyền hầu hết là co khom gối. Do đó, trong thời gian đầu luyện tập bạn chỉ nên tập với tần suất thấp, thời gian ngắn hơn. Sau đó mới tăng tần để phù hợp với thể trạng của mình.
Mỗi ngày nên luyện tập bao lâu?
Với những người bị thoái hóa khớp gối, mục tiêu ban đầu khoảng 30 phút mỗi ngày là một mục tiêu phù hợp. Khi khớp gối được cải thiện rồi mới tăng dần thời gian cũng như cường độ luyện tập.
Sau khi tập luyện, bạn có thể cảm thấy mỏi và đau, nhưng điều này sẽ không diễn ra lâu và đó là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn một giờ, thì đó là quá sức, bạn nên điều chỉnh lại cường độ cũng như thời gian tập luyện của mình. Ngoài ra, nếu bạn gặp phải các triệu chứng dưới đây thì nên dừng việc tập luyện và tham khảo ý kiến của bác sĩ:
- Mệt mỏi bất thường hoặc kéo dài
- Yếu khớp
- Bị giảm phạm vi chuyển động của khớp gối
- Sưng khớp gia tăng
- Đau liên tục
Hãy luyện tập sao cho phù hợp với thể trạng sức khỏe và tình trạng bệnh của bản thân (Ảnh minh họa)
Lưu ý trong quá trình luyện tập
Đôi khi trong quá trình luyện tập, chúng ta khó tránh khỏi một số chấn thương không mong muốn. Vì thế, để luyện tập đúng cách, hạn chế chấn thương, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Bạn chỉ nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như đã giới thiệu ở trên, đủ để cải thiện khả năng vận động của khớp gối và tăng cường sức mạnh cho hệ thống gân cơ dây chằng xung quanh khớp. Tránh luyện tập các bài tập hay bộ môn thể thao tạo ra quá nhiều áp lực cho khớp gối như chạy bộ, bóng đá, bóng chuyền,..
- Trong quá trình luyện tập bạn có thể sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ luyện tập như băng thun, nẹp,…cũng sẽ giúp bạn giảm bớt tác động xấu lên khớp gối.
- Song song với chế độ luyện tập, chế độ ăn uống khoa học đầy đủ các dinh dưỡng như canxi, vitamin D, Omega-3,… cũng đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả điều trị bệnh của bạn. Đồng thời, bạn cũng cần tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
Công Ty TNHH Thương Mại Quốc Tế RITADO
Hotline: 0866 67 27 88
Website: www.ritado.vn
Email: ritadovn@gmail.com