Thoái hóa khớp gối là căn bệnh phổ biến. Tuy bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì cũng sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Ngày nay với sự phát triển của nền y khoa, đã có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, mang lại hiệu quả cho người bệnh. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tổng hợp lại các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối mà nhiều người đang điều trị.
Tổng quan về bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp – hủy hoại sụn và xương dưới sụn. Khiến lớp sụn tại 2 đầu xương bị bào mòn hoặc vỡ từng mảnh mà hình thành gai xương ở rìa khớp.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa khớp gối, trong đó tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu (bệnh thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên và nhất là sau độ tuổi 60). Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác như gặp chấn thương, làm việc sai tư thế, bép phì,… cũng khiến bạn dễ dàng bị thoái hóa khớp gối.
Thoái hóa khớp khiến người bệnh thường xuyên đau nhức, đi lại khó khăn
Người bị thoái hóa khớp thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau nhức liên tục, vận động, đi lại, leo cầu thang rất khó khăn. Đôi khi bạn còn nghe thấy tiếng lạo xạo, lục khục trong khớp gối.
Thoái hóa khớp gối không đe dọa đến tính mạng người bệnh, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như: teo cơ, biến dạng khớp, bại liệt,…
Và để điều trị thoái hóa khớp gối hiện này có rất nhiều phương pháp khác nhau từ việc điều trị không dùng thuốc cho tới dùng thuốc, phẫu thuật,… Tùy vào giai đoạn bệnh phát triển ở mỗi bệnh nhân và thể trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ giúp bạn có những phác đồ điều trị tương ứng để cải thiện tình trạng bệnh.
Mục tiêu chung của các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là căn bệnh mãn tính, cho tới nay chưa có một phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng quá! Bởi nhờ sự tiến bộ của nền y học mà ngày nay chúng ta có rất nhiều phương pháp để kiểm soát căn bệnh này.
Dù bạn được điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp nào thì mục tiêu của các phương pháp đó đều là:
- Giúp bạn giảm bớt các đau và kiểm soát sự phát triển của bệnh sang giai đoạn mới
- Cải thiện các triệu chứng cứng khớp, sưng, nóng đỏ giúp bạn khôi phục khả năng vận động
- Hạn chế sự tổn thương, phá hủy của khớp và những biến chứng nguy hiểm
- Tăng cường và phục hồi lại chức năng của sụn khớp
Và để tìm hiểu kĩ hơn về các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối đang phát huy hiệu quả thế nào, bạn đọc cùng theo dõi trong phần tiếp theo sau đây của bài viết nhé
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiện nay
Phương pháp điều trị không cần dùng thuốc
Thay đổi và duy trì thói quen sinh hoạt khoa học
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt cho sụn khớp như: bổ sung Omega-3, canxi, các loại vitamin A, D, C, K,..
- Thường xuyên tập thể dục vừa giúp bạn tăng cường khả năng trao đổi chất trong cơ thể vừa giúp hệ tuần hoàn máu lưu thông dễ dàng để thúc đẩy quá trình nuôi dưỡng sụn khớp
- Trọng lượng của cơ thể cũng là yếu tố dễ gây ảnh hưởng tới sụn khớp. Do đó, bạn nên duy trì cân nặng của mình ở mức hợp lý (18.5 ≤ BMI ≤ 25) nhằm tránh gây thêm áp lực lên khớp
- Cân bằng giữa việc nghỉ ngơi, làm việc và luyện tập nhằm giúp khớp có thời gian tự phục hồi, cân bằng sau quá trình cơ thể vận động
- Trong khi làm việc, học tập hay sinh hoạt, bạn cần lưu ý tới các tư thế đi, đứng, ngồi sao cho đúng. Bạn cứ tưởng mà xem, khi tư thế của mình đúng thì diện tiếp xúc giữa các khớp là tối đa, và lực ép còn tối thiểu tạo nên sự cân bằng giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp. Từ đó, giúp bạn giảm bớt đi các cơn đau nhức.
Xây dựng chế độ ăn khoa học cho người thoái hóa khớp gối
Bạn thấy đấy, tuy đây chỉ là những thói quen nhỏ thôi, nhưng chúng ảnh hưởng rất lớn tới kết quả điều trị bệnh của bạn. Vì thế bạn đừng bỏ qua nó, hãy kiên trì thực hiện bạn sẽ nhận thấy được tình trạng bệnh của mình được cải thiện nhiều như thế nào
Châm cứu
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, phương pháp châm cứu có tác dụng giảm đau do phối hợp nhiều cơ chế như: ức chế dẫn truyền cảm giác đau, kích thích sản sinh morphin nội sinh của cơ thể. Đồng thời, chúng tác động qua cung phản xạ thần kinh giúp điều hòa hoạt động các cơ quan tạng phủ bên trong, chống rối loạn thần kinh chức năng do quá trình bệnh lý kép dài gây ra
Kế thừa những giá trị của cha ông, cùng với sự tiến bộ của nền khoa học, mà liệu pháp châm cứu ngày nay đã càng đa dạng hơn nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh như:
- Điện châm: là phương pháp châm cứu kết hợp với thông điện, chủ yếu để điều trị các cơn đau cấp tính và mãn tính
- Thủy châm: dùng kim đưa 1 lượng nhỏ thuốc bổ vào huyệt, giúp người bệnh giảm đau và tăng cường bổ gân xương
- Nhu châm (cấy chỉ): là phương pháp đưa chỉ tiêu catgut hoặc chỉ tiêu khác vào huyệt. Nhằm kéo dài thời gian kích thích lên huyệt giúp người bệnh tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cấy chỉ.
Xoa bóp, bấm huyệt
Ngoài biện pháp châm cứu, thì xoa bóp bấm huyệt được xem như là biện pháp đơn giản và hiệu quả trong việc điều trị thoái hóa khớp gối. Xoa bóp, bấm huyệt có thể giúp bạn làm dịu các cơn đau nhanh chóng, cải thiện phạm vi hoạt động của khớp gối
Bạn có thể thực hiện một số động tác xoa bóp khớp gối đơn giản tại như: xát day khớp gối, miết khớp gối, vận động co duỗi khớp gối. Ngoài ra, bạn có thể đến một số cơ sở y học cổ truyền có uy tín để nhờ tới sự giúp đỡ của các bác sĩ có kinh nghiệm
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp sử dụng các yếu tố vật lý như: cơ học, nhiệt, điện, sóng, từ trường,…tác động vào khớp gối, giúp bạn giảm đi các triệu chứng đau nhức, tăng sức bền cho các nhóm cơ có vai trò giữ khớp và phục hồi chức năng đi lại bình thường của bạn
Khi thực hiện vật lý trị liệu bạn sẽ bắt gặp một số các liệu pháp phổ biến như: siêu âm, chiếu hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, đắp bùn,…
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng triệt để đối với người bệnh mới ở gia đoạn sớm của bệnh nhằm giúp người bệnh kiểm soát được kịp thời, tránh được các tác dụng phụ khi dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn đang ở giai đoạn nặng thì biện pháp không dùng thuốc được áp dụng song song với các biện pháp dùng thuốc hay điều trị bằng phẫu thuật.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc
Sử dụng thuốc Tây y
– Các loại thuốc điều có tác dụng nhanh
Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh, tùy vào giai đoạn tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ giúp bạn kê đơn thuốc phù hợp nhằm điều trị các triệu chứng đau nhức và ngăn ngừa các yếu tố gây viêm tại khớp
- Paracetamol
Thuốc được ưu tiên điều trị đầu tiên là paracetamol. Tuy nhiên thuốc này chỉ có tác dụng giảm đau mà không kháng được viêm, thường được chỉ định dùng trong giai đoạn bệnh nhẹ.
- Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Khi bạn được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn trung bình trở lên, thì bác sĩ bắt buộc phải dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như: aspirin, diclofenac, ibuprofen,…
Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) được chỉ định dùng trong điều trị thoái hóa khớp gối
Tuy nhóm thuốc này phát huy được hiệu quả điều trị bệnh, giúp bạn dứt điểm các cơn đau nhức nhanh chóng nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới dạ dày, gan,…Do đó, bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn một số thuốc khác để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc.
Bên cạnh đó, bạn cần tuân thủ các chỉ dẫn sử dụng thuốc về liều lượng và thời gian. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào nếu không có sự chỉ định của bác sĩ
- Tiêm nội khớp
Căn cứ vào hiệu quả điều trị bằng thuốc, có thể bác sĩ sẽ áp dụng thêm biện pháp tiêm nội khớp giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng đau nhức, và kích thích quá trình tái tạo và nuôi dưỡng sụn khớp như: Tiêm thuốc kháng viêm corticosteroid hay tiêm nội khớp acid hyaluronic bổ sung chất nhày cho sụn khớp.
– Các loại thuốc điều trị tác dụng chậm
Thuốc điều trị tác dụng chậm này thường là những dòng sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa các thành phần tự nhiên như glucosamin, chondroitin và collagen type – II (UC-II). Chúng đều là những thành phần có trong sụn khớp. Khi bị thoái hóa khớp, số lượng các thành phần này bị giảm đi đáng kể. Việc bổ sung từ ngoài vào sẽ thúc đẩy quá trình trình tái tạo và nuôi dưỡng sụn khớp một cách tốt hơn
Các bạn lưu ý đây đều là các sản phẩm “bổ trợ” trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối, chúng không thay thế thuốc chữa bệnh. Thông thường, những dòng sản phẩm này đã được các bác sĩ khuyến khích sử dụng từ giai đoạn sớm của bệnh.
Sử dụng thuốc Đông y
Theo Y học cổ truyền, người ta cho rằng thoái hóa khớp gối là do các tà khí (phong tà, hàn tà, thấp tà) xâm vào cơ thể chúng ta. Đồng thời, các yếu tố can thận, khí huyết hư tổn cũng làm cho gân cốt trở nên yếu ớt trước tác động của tà khí. Do đó, cơ chế điều trị bệnh của Đông y là: tác động từ gốc, đẩy lùi căn nguyên, khu phong, trừ thấp, thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, phục hồi chức năng của tạng phủ nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc Đông y
Để điều trị thoái khớp, trong kho tàng của Đông y có rất nhiều bài thuốc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng chung quy lại, trong các bài thuốc điều trị bao giờ cũng sẽ có các vị thuốc như: độc hoạt, thổ phục linh, thương truật
So với thuốc Tây y, thuốc Đông y phát huy hiệu quả điều trị bệnh lâu hơn. Do đó, bạn cần kiên trì thực hiện điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ, kiêng khem, tập luyện đầy đủ để thấy được kết quả điều trị tích cực của mình.
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP)
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân là liệu pháp điều trị bằng cách lấy máu tự thân của người bệnh và sử dụng máy ly tâm để tách chiết tiểu cầu ra sau đó tiêm trực tiếp vào khớp
Ưu điểm vượt trội của liệu pháp này là kích thích khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh tốc độ hồi phục tại chỗ của các mô tế bào bị tổn thương. Giúp bạn chấm dứt cơn đau nhanh chóng. Hiện đây là liệu pháp đang được rất nhiều chuyên gia cơ xương áp dụng.
Liệu pháp tế bào gốc từ mô mỡ tự thân (ADSCs)
Ngoài liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu, liệu pháp tế bào gốc đang mở ra thêm một giải pháp khác cho người bị thoái hóa khớp gối
Với liệu pháp này, tế bào gốc được phân tách từ mô mỡ của bạn rồi cấy và nhân lên. Sau cùng được tiến hành tiêm vào ổ khớp của người bệnh. Lúc này tế bào gốc sẽ phát huy các tác dụng khác nhau trong đó có biệt hóa thành tế bào sụn, chống viêm, kích thích mô tại chỗ phát triển.
Tuy nhiên, khi tuổi thọ của người bệnh càng cao thì thời gian phát huy hiệu quả của liệu pháp này lại càng ngắn.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi làm sạch
Với phương pháp này bác sĩ sẽ tiến hành mổ nội soi ổ khớp, thực hiện các thủ thuật như: cắt lọc, bào, rửa khớp để loại bỏ những phần sụn đã bị bong ra do thoái hóa.
Phương này được chỉ định cho bệnh ở giai đoạn 2 và 3 không đáp ứng điều trị nội khoa
Nội soi khớp là một trong những phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối phổ biến hiện nay
Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương dưới sụn
Phẫu thuật kích thích tủy xương qua nội soi khớp gối được áp dụng cho những người bị thoái hóa khớp gối thứ phát do chấn thương ở người trẻ, có vùng khuyết sụn nhỏ hoặc vừa. Còn nếu điều trị cho những bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát ở giai đoạn 2 và 3 thì phương pháp này được áp dụng kết hợp với liệu pháp tế bào gốc mang lại kết quả tốt hơn cho người bệnh
Ghép tế bào sụn tự thân
Thông qua kĩ thuật nội soi khớp, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mô sụn của chính bạn, mang đi nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Sau 3 – 4 tuần tế bào sụn tăng trưởng đạt số lượng khoảng 12 triệu tế bào thì sẽ được trộn lẫn trong huyễn dịch. Và sau cùng bác sĩ sẽ tiến hành mở khớp gối và đưa hỗn hơp ấy vào vùng khuyết sụn.
Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân trẻ tuổi có tổn thương sụn mới do chấn thương
Đục xương sửa trục
Với phương pháp đục xương sửa trục sẽ làm thay đổi trục cơ học hay trục chịu lực của chân, chuyển trọng tâm chịu lực của khớp gối từ khoang thoái hóa sang khoang lành theo trục sinh lý. Nhằm giảm tải áp lực lên bề mặt khớp thoái hóa, giúp bạn giảm đau, làm chậm quá trình thoái hóa khớp
Phương pháp đục xương sửa trục được áp dụng cho người bệnh bị biến dạng chân (vẹo trong hoặc vẹo ngoài)
Thay khớp
Ở thủ thuật này, bạn sẽ được bác sĩ tiến hành loại bỏ các bề mặt khớp bị hư hỏng ra khỏi cơ thể. Sau đó, bác sĩ sẽ thay thế phần khớp bị loại bỏ bằng một khớp giả bằng kim loại hoặc nhựa. Thông thường, tuổi thọ của khớp nhân tạo này chỉ kéo dài khoảng 10 đến 15 năm
Phẫu thuật thay khớp là phương án cuối cùng khi người bệnh đã ở giai đoạn nặng và không đáp ứng được các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của ca phẫu thuật nên không phải ai cũng áp dụng được phương pháp này.
Kết luận
Bài viết trên đây đã giúp bạn tổng hợp được các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối đang được áp dụng rộng rãi. Tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh mà bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn những phương pháp phù hợp. Thông thường, xu thế điều trị bệnh hiện này đều là “điều trị đa mô thức” tức là sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau (vừa không dùng thuốc và vừa dùng thuốc) nhằm giúp người bệnh cải thiện được bệnh tình, đồng thời gia tăng sức khỏe của toàn bộ cơ thể
Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, bạn cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh việc tự ý bốc thuốc hay uống thuốc theo lời mách bảo của người không thuộc chuyên môn. Đặc biệt, bạn cần luôn giữ tinh thần lạc quan để nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh này nhé.
Chúc bạn mau sớm bình phục!
Công Ty TNHH Thương Mại Quốc Tế RITADO
Hotline: 0866 67 27 88
Website: www.ritado.vn
Email: ritadovn@gmail.com